-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Phần Lan xác nhận sẽ gia nhập NATO
10:42:26 - 15/05/2022
0 Bình luận
Phần Lan xác nhận sẽ gia nhập NATO
Tổng thống và Thủ tướng Phần Lan thông báo quốc gia Bắc Âu sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO, gọi đây là quyết định mang tính lịch sử.
"Tổng thống và Ủy ban Chính sách Đối ngoại của chính phủ hôm nay đồng ý rằng Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi tham khảo ý kiến quốc hội. Đây là một ngày lịch sử, một kỷ nguyên mới đang mở ra", Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin cho biết trong tuyên bố chung ngày 15/5.
Bước tiếp theo, quốc hội Phần Lan sẽ nhóm họp ngày 16/5 để thảo luận về quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO. Giới chuyên gia dự đoán phần đa trong số 200 nghị sĩ quốc hội Phần Lan sẽ ủng hộ quyết định xin gia nhập NATO.
"Chúng tôi hôm nay đạt được quyết định quan trọng với sự hợp tác của chính phủ và Tổng thống. Chúng tôi hy vọng quốc hội sẽ phê chuẩn quyết định xin gia nhập NATO trong những ngày tới", Thủ tướng Marin cho biết.
Tổng thống Niinisto ngày 14/5 đã điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thông báo về kế hoạch gia nhập NATO của Phần Lan. Ông Putin đã cảnh báo rằng quyết định này của Phần Lan sẽ làm tổn hại quan hệ song phương.
Đề cập đến cuộc điện đàm với ông Putin, Tổng thống Niinisto cho hay Phần Lan "không muốn che giấu bất cứ điều gì" và khẳng định "tốt hơn là nói thẳng những điều cần nói với bên liên quan".
Phần Lan có đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga. Họ trở thành nước trung lập thông qua hiệp ước hữu nghị với Liên Xô năm 1948, với kỳ vọng ngăn tái diễn cuộc chiến Phần Lan - Liên Xô năm 1939 từng khiến hơn 80.000 binh sĩ nước này thiệt mạng.
Xuyên suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan dần chuyển trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995.
Thụy Điển, quốc gia láng giềng với Phần Lan, cũng chọn hướng đi tương tự sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, gia nhập EU vào năm 1995 và tăng cường hợp tác với NATO. Thụy Điển đã tránh tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 200 năm qua.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine", Phần Lan và Thụy Điển quyết định xem xét khả năng gia nhập NATO, từ bỏ chính sách không liên minh quân sự trong nhiều thập kỷ.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói nước này đã chuẩn bị mọi thứ để nhanh chóng phê duyệt đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, đồng thời kêu gọi liên minh quân sự cung cấp đảm bảo an ninh cho hai quốc gia Bắc Âu trong quá trình đợi phê chuẩn tư cách thành viên.
Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 13/5 tuyên bố Ankara "không có quan điểm tích cực" về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, đồng thời cáo buộc hai quốc gia Bắc Âu chứa chấp các tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố. Mỹ đang nỗ lực làm rõ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, bởi nếu Ankara phản đối, Phần Lan và Thụy Điển sẽ không thể gia nhập NATO.
Niinisto hôm nay cho biết ông sẵn sàng gặp Tổng thống Erdogan để thảo luận về mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan.