-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Kỹ sư phần mềm Việt 'chỉ đường' đến Tesla
08:48:51 - 23/05/2022
0 Bình luận
MỸ: Anh Ngô Thiên Phúc cho rằng, ứng tuyển vào hãng xe điện hàng đầu Mỹ, khó nhất là qua được "cửa ải" xét tuyển CV vì tỷ lệ cạnh tranh rất lớn.
Năm 2011, Ngô Thiên Phúc sang Mỹ học lớp 11, sau đó tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính (Computer Science) tại Đại học Drexel năm 2018. Anh hoàn thành chương trình Master Systems Engineering (Thạc sĩ Quản trị Hệ thống) tại ĐH Pennsylvania hai năm sau đó.
Trong thời gian học thạc sĩ, Phúc thực tập tại hãng ôtô điện nổi tiếng Tesla. Kết thúc sáu tháng thực tập với sự thể hiện ấn tượng, chàng trai Việt được Tesla mời ứng tuyển sau khi ra trường. Tuy vậy, để giành vị trí nhân viên chính thức, anh vẫn phải vượt qua nhiều thử thách.
70% kỹ năng, 30% may mắn
Tesla có quy mô 100.000 nhân viên toàn thế giới, riêng trụ sở California nơi Phúc đang làm việc có khoảng 30.000 người. Vì vậy, theo anh, khó nhất là qua được "cửa ải" xét tuyển CV, vì tỷ lệ cạnh tranh rất lớn.
Theo báo cáo thường niên được Tesla công bố đầu tháng 5/2022, hãng nhận được ba triệu đơn xin việc vào năm 2021, trong khi chỉ tuyển thêm 30.000 nhân lực. Nghĩa là trung bình mỗi vị trí, Tesla nhận được 100 đơn đăng ký.
"Mỗi vị trí luôn có khoảng 100 người nộp vào và các hồ sơ sẽ được lọc bằng máy trước. Ngoài hồ sơ đẹp, mình nghĩ thật sự phải có may mắn đi kèm", anh Phúc chia sẻ.
Do tỷ lệ chọi cao, hồ sơ của ứng viên phải ấn tượng, rõ ràng, mạch lạc; giàu kinh nghiệm, kỹ năng phù hợp vị trí ứng tuyển.
Phúc có kinh nghiệm thực tập ở bốn công ty khác nhau. Tesla ưu tiên những ứng viên có kinh nghiệm từ trước và sở hữu các kỹ năng có thể áp dụng ngay vào công việc. Với gần hai năm kinh nghiệm thực tập, liên quan đến phân tích dữ liệu và lập trình web, Phúc nghĩ phần này đã giúp hồ sơ của anh trở nên nổi bật.
Anh cũng liệt kê các giải thưởng lập trình (Hackathons) giành được ở nhiều trường đại học khác nhau như: Giải nhất Comcast Hackathon, giải nhì ĐH Jefferson Hackathon, giải Startup ĐH New York Hackathon, giải nhất Philadelphia Codefest, giải nhất ĐH Villanova Hackathon... Các giải thưởng - thể hiện ứng viên là người ham học và có tính sáng tạo - sẽ gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Qua vòng loại, ứng viên tiếp tục được thử thách ở 2-3 vòng nữa, tùy theo vị trí. Phúc cho biết, để vào vị trí kỹ sư phần mềm, anh phải thi vòng đầu là kiểm tra online với hai bài giải thuật toán trong 90 phút. Ứng viên đạt từ 80/100 điểm mới được đi tiếp. Hai bài này độ khó trung bình, đòi hỏi ứng viên phải quen với giải thuật toán từ trước.
Tiếp theo là vòng phỏng vấn 45 phút qua điện thoại. "Vòng này cũng có các câu hỏi về thuật toán, nhưng ngoài việc đưa ra kết quả đúng, ứng viên còn phải thể hiện tư duy logic và cách giải quyết vấn đề", Phúc chia sẻ. Điều khó nhất của vòng này là cả hai bên chỉ nghe được giọng nhau qua điện thoại, nên phải đảm bảo diễn đạt rõ ràng. Có những ứng viên hoàn thành bài toán nhưng diễn giải không tốt, vẫn bị trượt.
Nếu làm tốt hai vòng đầu, ứng viên sẽ đến cuộc phỏng vấn cuối với các câu hỏi liên quan đến lập trình, kiến thức về công nghệ mà bộ phận đó đang sử dụng; các trao đổi nhằm đánh giá khả năng làm việc nhóm và mức độ phù hợp với môi trường Tesla. Trước khi phỏng vấn với Tesla, Phúc đã dành khoảng ba tháng để luyện thật kỹ về các mảng trên, đặc biệt là thuật toán. Phúc nói vòng cuối cùng là một thử thách khó.
Một ngày sau cuộc phỏng vấn, Phúc nhận được cuộc gọi từ bộ phận nhân sự thông báo ứng tuyển thành công. Anh nhận định, để trúng tuyển vào công ty xe điện lớn bậc nhất thế giới, kỹ năng chiếm bảy phần, còn ba phần may mắn.
Kỹ năng gồm hiểu biết về công nghệ (phần mềm, phần cứng, dữ liệu), tư duy logic, hướng giải quyết vấn đề, khả năng ứng biến, kỹ năng giao tiếp và thái độ...
Yếu tố may mắn thể hiện ở khả năng được chọn giữa hàng trăm nghìn hồ sơ tương tự hoặc gặp câu hỏi phỏng vấn trúng tủ, đúng thế mạnh. "Giống như khi thi lên cấp ba hoặc thi đại học, nếu mình đã ôn hàng chục loại đề bài, não sẽ tự rèn cách tư duy và giải quyết khi gặp vấn đề tương tự. Nhưng còn gì tuyệt hơn khi mình còn may mắn gặp trúng bài từng giải rồi", anh nói.
Tránh tâm lý tự ti
Phúc đang làm mảng dữ liệu của Tesla cho bộ phận ở Mỹ, châu Âu và châu Á.
Anh cho biết, nhịp độ làm việc ở đây khá nhanh. Khối lượng công việc lớn nhưng nếu muốn làm chậm lại hoặc xin nghỉ, nhân viên có thể báo với sếp. Tesla cho phép nghỉ có lương bao lâu cũng được. Vì thế, ngoài công việc, Phúc vẫn có thời gian riêng đi chơi, tập gym và làm Vlog.
Nói về chủ đề tìm việc của du học sinh, Phúc nhận định, một vấn đề khá lớn của không ít bạn trẻ là tâm lý ngại và tự ti. Nhiều bạn cảm thấy mình không đủ giỏi để nộp vào công ty này hay vị trí kia, hoặc không dám liên lạc với các anh chị đi trước để học hỏi thêm.
"Mình luôn bảo các em là không có gì phải ngại cả. Cứ nộp hết, nộp càng nhiều thì cơ hội càng cao. Nhắn hỏi tất cả mọi người, kể cả người mình không quen biết. Chỉ cần 1-2 câu giới thiệu ngắn gọn về bản thân và mong muốn nộp việc là bạn sẽ được trợ giúp", Phúc nói.
Anh cho hay, ở Tesla nói riêng và các công ty ở Mỹ nói chung, rất nhiều vị trí cần người. Tesla đang cần các vị trí từ phân tích dữ liệu, phần mềm, phần cứng, đến sản xuất và lắp ráp.
"Trước khi nộp đơn, nên tìm hiểu kỹ và nhắn hỏi các anh chị đang làm hoặc từng phỏng vấn. Một số công ty lớn thường có những khuôn mẫu phỏng vấn chung và áp dụng cho nhiều vị trí khác nhau.
Trên Facebook có rất nhiều group như Viet Tech hay Viet Career Guide, là nơi có cộng đồng các bạn đang nộp việc cùng các anh chị đi trước đang làm tại những công ty lớn ở Mỹ. Du học sinh Việt sẽ kiếm được rất nhiều sự giúp đỡ từ đó", anh chia sẻ thêm.
Lời khuyên của kỹ sư phần mềm Ngô Phúc là hãy bắt đầu tìm việc thực tập, kể cả làm không lương, từ sớm (đừng để tới năm ba đại học mới bắt đầu).
Nhiều người làm ở những công ty lớn như Google, Facebook khi ra trường cũng từng bắt đầu ở những công ty nhỏ. "Không bao giờ là quá muộn cho những tham vọng lớn", Phúc nhắn gửi.
Theo tác giả Lệ Thu đăng trên Vnexpress