-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
'Hàng trăm cán bộ đã đi học để làm điện hạt nhân Ninh Thuận'
08:08:46 - 06/06/2022
0 Bình luận
Đã có 450 sinh viên, kỹ sư được gửi sang Nga, Nhật Bản đào tạo, chuẩn bị nhân lực cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhưng dự án đã dừng lại từ năm 2016.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã tạm dừng theo quyết định tại Nghị quyết 31 năm 2016 của Quốc hội. Tuy nhiên, tháng trước, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề xuất xem xét phát triển điện hạt nhân.
Nhìn lại quá trình chuẩn bị trước đó, TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Vinatom), Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết từ năm 1996 đến 2002 một số nghiên cứu đầu tiên về việc đưa điện hạt nhân vào Việt Nam, bao gồm cả xem xét lựa chọn một số địa điểm đã được triển khai. Khi Quốc hội phê duyệt chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận (năm 2009), các công việc chuẩn bị được khẩn trương hơn, trong đó điểm nhấn là dự án nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS).
Một năm sau, Việt Nam ký thỏa thuận với Nga và Nhật Bản về việc xây dựng nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Đến năm 2011, dự án nghiên cứu khả thi (FS) bao gồm cả đánh giá địa điểm bắt đầu thực hiện và giao cho Ban quản lý dự án, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị trực tiếp thực hiện. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoàn thành sau 2 năm và trình lên EVN.
Ông Thành cho biết, để đảm bảo vận hành một nhà máy điện hạt nhân, nhân lực cần có rất lớn, tới hàng trăm người, từ trình độ đại học, cao đẳng đến phổ thông... Cán bộ để vận hành nhà máy điện hạt nhân do chủ đầu tư (EVN) đảm nhận đào tạo.
Trong dự án này Vinatom có nhiệm vụ chuẩn bị nguồn đội ngũ chuyên gia kỹ thuật (nghiên cứu về công nghệ, an toàn điện hạt nhân để nắm rõ các vấn đề khoa học, kỹ thuật liên quan). Trong 10 năm qua, gần 100 người được Viện cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài thông qua xin học bổng, sang Liên bang Nga, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. "Hiện một số cán bộ làm xong tiến sĩ vẫn tiếp tục ở lại làm hậu tiến sĩ (PostDoc) ở các nước, do trong nước chương trình điện hạt nhân tạm dừng", TS Thành nói và cho biết các nước như Hàn Quốc, Nhật rất cần cán bộ về điện hạt nhân.
Ngoài nhóm này, còn có khoảng 450 sinh viên, kỹ sư đi học ở Liên bang Nga và Nhật Bản theo chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đào tạo chuyên của EVN, gồm đào tạo đại học về điện hạt nhân, nâng cao trình độ, đào tạo cán bộ chủ chốt về công nghệ và an toàn nhà máy điện hạt nhân...
Lựa chọn công nghệ
Những năm 2013-2014, câu chuyện lựa chọn công nghệ nào cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được Vinatom thảo luận, trao đổi nhiều lần với Nga và Nhật Bản. Các đợt trao đổi chủ yếu bàn về chọn công nghệ nào cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 thông qua hội nghị, seminars liên tục qua các năm 2012-2016.
Hiện thế giới đang tập trung vào 2 công nghệ chính: nước nhẹ (LWR) hoặc nước nặng tiên tiến thế hệ III+, và công nghệ SMR (là lò công suất nhỏ dưới 300 MWe), với công nghệ làm mát bằng nước nhẹ (như NuScale), làm mát bằng khí nhiệt độ cao và làm mát bằng kim loại lỏng. Tuy nhiên SMR là công nghệ mới và chưa được triển khai thương mại (theo các chuyên gia hạt nhân hàng đầu thế giới, cần 20-30 năm để triển khai thương mại và kiểm chứng).
"Chúng tôi đã đề xuất lò tiên tiến của Nga, là AES2006/V491 cho dự án Ninh Thuận 1 và lò AP1000 công suất 1000 MWe của Westinghouse (Mỹ) cho dự án Ninh Thuận 2, là các thiết kế mới đảm bảo nhiều tiêu chí về an toàn hậu Fukushima", TS Thành nói. Công nghệ LWR thế hệ III+ đang được ứng dụng tại 51 lò trong các nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng mới hiện nay trên thế giới.
Ông Thành lý giải, lò nước nhẹ thế hệ III+ là công nghệ mới nhất, được hình thành từ những kinh nghiệm đã có, tăng cường khả năng đảm bảo an toàn, ngăn ngừa sự tiến triển của sự cố nếu các vấn đề bất thường xảy ra. Các hệ thống an toàn được gia tăng, an toàn chủ động kết hợp với an toàn thụ động, có thể đảm bảo an toàn ngay cả khi mất nguồn cung cấp điện, nhiều hệ thống dự phòng được lắp đặt thêm trong những thiết kế mới.
Ông cho biết, dự án Việt Nam thực hiện trong giai đoạn đó cần phải đáp ứng các yêu cầu an toàn hậu Fukushima, trong đó phần sự cố nặng cần được quan tâm và xem xét đến trong thiết kế lò được lựa chọn. Bộ Tiêu chí lựa chọn công nghệ cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 sau đó đã được Vinatom và EVN xây dựng.
Sau khi thống nhất với Nga, năm 2014 các tài liệu về công nghệ lò LWR thế hệ III+ (dự án Ninh Thuận 1) đã được chuẩn bị, dịch sang tiếng Việt, và EVN chuyển sang Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) để thẩm định.
Đến năm 2016 EVN, Vinatom cũng chuẩn bị được nhiều phương án thống nhất, nhưng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã tạm dừng. "Mọi công việc chuẩn bị cũng dừng lại", ông Thành nói và cho biết dù vậy, suốt 6 năm qua Viện vẫn nghiên cứu công nghệ và an toàn, cử cán bộ đi nghiên cứu ở nước ngoài và mời chuyên gia hàng đầu thế giới sang trao đổi kiến thức về điện hạt nhân, nâng cao năng lực.
Trong số hơn 400 sinh viên, kỹ sư cử đi học về điện hạt nhân, mỗi năm có khoảng 60-70 người hoàn thành khóa đào tạo và về nước. "Họ về làm việc cho EVN nhưng chuyển sang làm ở các dự án nhiệt điện, thủy điện và quản lý điện lực là chính. Vinatom cũng mời các kỹ sư mới tốt nghiệp tại Nga, nhưng mức lương nghiên cứu thấp nên mỗi năm chỉ vài ba cán bộ về làm việc", TS Thành nói.
Ông cũng cho biết, Vinatom hiện vẫn giữ hợp tác quốc tế với các nước như Nga, Nhật Bản và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về kỹ thuật, an toàn hạt nhân qua các dự án nghiên cứu an toàn lò, trao đổi chuyên gia, thiết kế lò nghiên cứu hạt nhân. Dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Đồng Nai, trong đó có xây dựng một lò hạt nhân nghiên cứu mới, cũng đang được triển khai.
"Chúng tôi tiếp tục theo đuổi các nghiên cứu, chuẩn bị nhân lực để có thể sẵn sàng về đội ngũ chuyên gia cho điện hạt nhân", ông nói và cho biết nhiều tiến sĩ đi học đã ở lại nước ngoài làm việc nhưng khi cần họ sẵn sàng quay về.
Tố Niên (Nguồn tổng hợp)