-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Chăm sóc da mụn tuổi dậy thì thế nào
09:18:38 - 08/05/2022
0 Bình luận
Chăm sóc da mụn tuổi dậy thì thế nào
Thanh thiếu niên cần chăm sóc và làm sạch da mỗi ngày, hạn chế trang điểm, không đeo khẩu trang quá chặt, sinh hoạt lành mạnh, đi khám nếu viêm da nặng.
Nam sinh 15 tuổi, trú tại TPHCM, đi khám do mụn mọc rải rác mặt, hai bên má nhiều sẩn viêm, có mủ, khiến mất tự tin, ngại gặp bạn bè. Người nhà cho biết, trẻ mọc mụn từ khi học lớp 6 nhưng không đưa đi viện vì chỉ có lấm tấm vài nốt, nghĩ bệnh sẽ tự hết. Càng lớn, mụn càng nhiều hơn, gia đình mới đưa con đi khám.
Tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, bác sĩ Nguyễn Phương Thảo cho biết mặt bệnh nhi có nhiều nhân trứng cá, hai bên má có nhiều sẩn viêm, mụn mủ, da dầu, lỗ chân lông to, sẹo lõm, thâm nhiều. Bác sĩ kê kháng sinh uống trong vài tháng và giảm liều dần dựa trên đáp ứng của người bệnh kèm theo thuốc trị mụn và sữa rửa mặt làm sạch bã nhờn, chất bẩn. Bệnh nhân được tư vấn thêm về lối sống và chế độ ăn để cải thiện mụn.
"Tuy nhiên, do trẻ đến khám trễ, da bị tổn thương, nhiều sẹo rỗ và thâm nên cần điều trị dài để bề mặt da mịn màng hơn", bác sĩ nói.
Theo bác sĩ Thảo, mụn là vấn đề mà các bác sĩ thường xuyên khám, tư vấn cho trẻ ở tuổi dậy thì. Trong đó, trứng cá là phổ biến nhất, ngoài ra còn có mụn đầu đen, mụn mủ, mụn viêm... Phụ huynh có con trong độ tuổi này cũng thường lo lắng về tình trạng "trứng cá học đường". Đây là giai đoạn các tuyến nội tiết phát triển mạnh, dẫn đến sự tăng sản xuất các nội tiết tố, trong đó có nội tiết tố androgen, làm tăng hoạt động của tuyến bã nhờn cũng như tăng sừng vùng phễu nang lông.
Bệnh thường khởi đầu với sự xuất hiện các cồi mụn do sự bít tắc lỗ chân lông. Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, sang thương mụn có thể tiến triển thành sẩn viêm, nốt, nang, cục.
"Đặc biệt, những bạn có thói quen sờ chạm lên nốt mụn hoặc nặn mụn không đúng cách như không lấy hết nhân mụn, không đảm bảo vô trùng thì nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ tăng cao hơn, dẫn đến các tổn thương trên da nặng nề hơn", bác sĩ nói.
Ngoài ra, các bạn trong độ tuổi này còn có thói quen ăn nhiều đường sữa, tinh bột hoặc đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều đường ngọt... khiến da dễ lên mụn hơn, bác sĩ Đỗ Kim Anh, Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ công nghệ cao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nói.
Trẻ mắc bệnh lý về nội tiết như hội chứng buồng trứng đa nang, cường androgen... hoặc các yếu tố cơ học như chà xát, cậy nặn, mặc đồ chật cũng dễ lên mụn.
Tuy nhiên, mỗi người, mỗi độ tuổi có tình trạng bệnh khác nhau, không phải trẻ cứ dậy thì là nổi mụn. Thông thường, những trẻ có bố hoặc mẹ đã từng bị mụn trứng cá nặng thì càng có nguy cơ bị mụn trứng cá cao hơn so với các trẻ khác. Ngoài ra, trẻ có làn da dầu hoặc da hỗn hợp thì dễ bị mụn trứng cá hơn các em có làn da thường hoặc da khô.
Chăm sóc da mụn
Theo bác sĩ Thảo, trẻ cần chăm sóc và làm sạch da mỗi ngày, loại bỏ dầu thừa, giảm bít tắc, giúp thông thoáng lỗ chân lông. Nên tẩy trang và rửa mặt với các sản phẩm có chứa những hoạt chất giúp giảm nhờn như salicylic acid. Hạn chế trang điểm, tránh sử dụng các sản phẩm, mỹ phẩm có các chất gây bít tắc, dễ sinh nhân mụn.
Giữ sạch tóc và hạn chế để tóc chạm vào da mặt, tránh mang bụi bẩn và dầu bám vào lỗ chân lông. Không nên đeo khẩu trang quá chật và cần chú ý thay khẩu trang khi bị dơ bẩn hoặc bị ẩm ướt.
Thay đổi lối sống, duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh, siêng luyện tập thể dục thể thao, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, kiêng các sản phẩm chứa nhiều đường, sữa, chất béo.
Với những trường hợp có nhiều nang mụn mủ, viêm, trẻ cần đến khám chuyên khoa da liễu để được bác sĩ kê toa các thuốc điều trị.
Trường hợp bị mụn viêm nhẹ có thể điều trị bằng thuốc bôi được bác sĩ kê đơn. Điều trị mụn trứng cá ở giai đoạn sớm chỉ cần phối hợp sữa rửa mặt, thuốc thoa giảm nhờn, làm khô nhân mụn, giảm bít tắc nang lông. Không tự ý nặn mụn khiến da tổn thương, vi khuẩn mụn dễ dàng xâm nhập và lây lan ra các vùng da xung quanh, gây ra sẹo và vết thâm. Không tìm mua và sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc để chữa mụn.
Trường hợp không đáp ứng điều trị tại chỗ sẽ cần điều trị toàn thân, liệu trình 1-3 tháng hoặc hơn tùy theo tình trạng mụn và khả năng đáp ứng của mỗi người.
Theo các bác sĩ, mụn ở tuổi dậy thì có thể giảm khi trẻ bước qua giai đoạn này nhưng không khỏi hẳn hoàn toàn. Khi trẻ bị mụn, gia đình nên đưa trẻ đi khám và kiên trì trong cả liệu trình để thuốc có tác dụng, giảm thiểu những di chứng như sẹo rỗ, thâm làm ảnh hưởng đến ngoại hình và sự tự tin của trẻ sau này.
Thùy An